Monday, November 15, 2021

Cựu SVSQ Khóa 10B/72 Đồng Đế hội ngộ, kỷ niệm 48 năm ngày mãn khóa

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) Buổi hội ngộ lần đầu tiên để kỷ niệm 48 năm ngày mãn khóa của Khóa 10B/72, quân trường Đồng Đế Nha Trang, ngày 27 Tháng Mười, 1972, với sự tham dự của các Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) năm xưa, tổ chức đúng ngày Thứ Tư, 27 Tháng Mười, 2021, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3, thành phố Westminster.

Hợp ca “Trường Hạ Sĩ Quan Hành Khúc.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một danh sách khá dài các cựu SVSQ Đồng Đế Khóa 10B/72 từ các nơi cùng gia đình về tham dự, ở các tiểu bang như Washington, New York, Oregon, Texas, Nevada, Colorado, Bắc và Nam California được xướng lên, vui như ngày mãn khóa năm nào, giờ vẫn vậy với những rộn ràng náo nức của thời trai trẻ.

SVSQ Nguyễn Hồng Phương, á khoa của Khóa 10B/72 Đồng Đế Nha Trang, trong lời khai mạc tuyên bố lý do: “Khóa 10B/72 được đặt tên là Khóa Nguyễn Trường Tộ, có khoảng 1,159 khóa sinh dự bị sĩ quan, bắt đầu nhập học từ 11 Tháng Mười Hai, 1972 ra trường 27 Tháng Mười, 1973.”

“Đến trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang khoảng Tháng Tư, 1973, sau sáu tháng huấn luyện, đã hoàn tất khóa học. Ngày Chủ Nhật, 28 Tháng Mười, 1973, một đại lễ tổ chức mãn khóa long trọng, Tướng Võ Văn Cảnh, chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực VNCH, ký quyết định chứng nhận 1,089 SVSQ đã tốt nghiệp trung đội trưởng Bộ Binh với cấp bậc chuẩn úy,” ông Phương cho biết.

“Ngày 11 Tháng Hai, 1975, Bộ Quốc Phòng ký nghị định thăng cấp cho 811 chuẩn úy lên thiếu úy. Như vậy từ lúc ra trường, ngày 27 Tháng Mười, 1973 với 1089 chuẩn úy, đến khi lên thiếu úy ngày 11 Tháng Hai, 1975, là 811 người, khóa đã mất đi 278 đồng môn, gồm những người tử trận hoặc bị thương nặng được giải ngũ,” ông Phương cho biết tiếp.

Quang cảnh buổi hội ngộ Đồng Đế 48 năm mãn khóa Khóa 10B/72. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thiếu Úy Phạm Văn Tiến, thuộc Ban 4, Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cho hay ông là một sĩ quan cấp bậc nhỏ, không phải đi họp với sư đoàn, nhưng khoảng chiều ngày 20 Tháng Tư, 1975, được lệnh qua họp chung với tư lệnh, để nhận lệnh rút lui về trấn thủ vòng đai Sài Gòn.

“Lúc đó tư lệnh Sư Đoàn đóng đối diện với Chiến Đoàn 48 nằm kế bên Chi Khu Xuân Lộc. Tư lệnh sư đoàn nằm ở vườn chôm chôm, còn tôi nằm ở rừng cao su đối diện. Đây là lệnh rất bất ngờ, và chúng tôi có nhiệm vụ đào hố chôn tất cả những quân cụ, súng ống không mang theo được để hủy bỏ, kể cả chiếc xe jeep,” ông nói.

Ông kể tiếp: “Khoảng 5 giờ chiều hôm đó, chúng tôi xếp hàng trước Chi Khu Xuân Lộc (quận Tân Phong), tôi đi chung với ông trưởng công xa của Trung Đoàn 48, một trong những người dẫn đầu mở đường, đi từ quận Tân Phong theo liên tỉnh lộ 2 về Phước Tuy. Trên đường cũng bị địch pháo kích theo. Tới Tân Phong tôi vẫn còn thấy Tướng Lê Minh Đảo đi cùng chúng tôi,” ông kể.

“Phải nói là một ý tưởng rất táo bạo khi Tướng Đảo chọn con đường này, đã bị bỏ hoang từ lâu không ai đi. Phía Việt Cộng cũng không ngờ bên mình lại đi con đường này, khi chúng tôi chạy suốt đêm rọi đèn pha, mấy tên giao liên địch vẫn còn chạy xe gắn máy ngang qua, chúng thấy bọn tôi bèn vất xe chạy trốn. Đến sáng đoàn xe đầu chúng tôi về tới xã Đức Hạnh an toàn, chỉ có đoạn đi sau bị địch pháo theo.”

Ông Huỳnh Văn Hoàng, thủ khoa Khóa 10B/72 Đồng Đế, tâm tình cùng đồng môn trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nói về Tuớng Đảo, ông Tiến cho biết: “Ông là một vị tướng đáng kính phục, với tư cách của một vị chỉ huy, ông luôn sống cùng với thuộc cấp, khi đã theo đường bộ đi cùng với lính trên đường rút, đến Long Giao tôi vẫn còn thấy ông đi với chúng tôi. Một vị tướng luôn đồng cam cộng khổ với lính, không bỏ rơi lính để tìm con đường an toàn cho mình.”

Ông Nguyễn Ngọc Chuyên, ra trường về Nha Kỹ Thuật, học khóa thám sát, làm toán phó toán 712, hành quân vùng Thường Đức Quảng Nam, và nhảy đồi 1062, nơi xảy ra những trận đánh ác liệt liên miên.

“Năm 1974, Tháng Tư, đơn vị chúng tôi nhảy vào đó bị thiệt hại nặng. Vào ra chiến trường, mình là lính chỉ biết tuân thượng lệnh và chiến đấu. Sáu tháng sau tôi lên làm toán trưởng, chiến đấu ở Thường Đức cho đến ngày cuối cùng cuộc chiến.”

Thiếu Úy Nguyễn Hồng Phương, á khoa Khóa 10B/72, cho biết sau khi ra trường về Tiểu Khu Tuyên Đức năm 1973 vẫn còn khá yên ổn. Khi hành quân ở Núi Vôi ở Đà Lạt, người y tá tiểu đoàn đã đạp mìn chết thay cho ông.

“Từ khi còn ở quân trường đi dây tử thần, hành quân qua sình lầy, lên rừng xuống biển, vào đời lính, có lẽ đầy đủ cơ duyên 100 năm mới đi chung chuyến tàu, hôm nay được gặp lại đồng môn ở đây có lẽ là cơ duyên cuối cùng của tôi, 48 năm qua như một giấc mơ! Chúng tôi đang kêu gọi anh em đồng môn hết lòng yểm trợ cho những anh em còn ở quê nhà.”

SVSQ Nguyễn Hồng Phương (thứ ba, trái) cùng phu nhân và các bạn đồng môn hát bài “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Huỳnh Văn Hoàng, thủ khoa Khóa 10B/72, cho hay  một tuần trước khi mãn khóa, trường mới công bố ai là thủ khoa.

“Đó là một đặc biệt bất ngờ cho tôi. Sau khi ra trường tôi về Tiểu Khu Phước Tuy, là chuẩn úy trung đội truởng Tiểu Đoàn 371, sau về Đặc Khu 5 Sài Gòn. Sau 48 năm mỗi người một hướng, tôi thuộc nhóm còn may mắn, hôm nay được gặp lại đồng môn ở đây, xin cầu chúc anh em nhiều sức khỏe để còn tái ngộ.”

Ông Trần Chí Thiện Tâm, cựu SVSQ Đồng Đế K10B/72, cựu thiếu úy liên lạc Sư Đoàn 18 Bộ Binh, thuộc Tiểu Khu Long Khánh, là gia đình thuộc ba thế hệ đều mong muốn đi vào nghiệp lính.

Trong khi đó, em Sabi Trần Nguyễn Minh Khôi, con trai ông Trần Chí Thiện Tâm, cho hay em thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình, với ông nội là trung tá trong Quân Lực VNCH, ba của em là sĩ quan xuất thân từ trường Đồng Đế Nha Trang.

Các MC trong chương trình. Từ trái: Trần Ải Minh, Phạm Văn Tiến, Vũ Duy Thêm, giới thiệu quan khách và đồng môn từ các tiểu bang khác về dự hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Thế hệ của em ở Mỹ coi như là thế hệ cuối cùng với những bạn cùng tuổi, vì chưa sống nhiều qua hai thế hệ như ông nội và ba của em, nên không hiều biết gì nhiều về chiến tranh Việt Nam. Hồi trung học, em cũng muốn tiếp nối các thế hệ trước, tiếp tục lịch sử của ông cha mình, sống hào hùng để xây dựng đất nước, nhất là xây dựng cộng đồng nơi em đang sống,” Sabi Trần chia sẻ.

Với nhiều tiết mục văn nghệ, các bài nhạc đấu tranh và dựng xây đất nước được trình bày với nhiều cảm xúc trong ngày hội ngộ.

“Anh đứng ngàn năm thao diễn nghĩ/Em nằm xõa tóc đợi chờ anh” hai câu thơ mà những SVSQ đã từng tốt nghiệp tại Đồng Đế Nha Trang đều thuộc nằm lòng. Từ ngôi trường thân yêu ấy, bao nhiêu chàng trai đã vào vùng lửa đạn, với quyết tâm “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách nhiệm” để bảo vệ miền Nam tự do.

Ngày nay dù cuộc chiến đã tàn nhưng tình đồng môn vẫn thiết tha gắn bó suốt 48 năm qua, luôn nhớ về quân trường cũ, chiến trường xưa, với những đồng đội đang còn ở quê nhà. [kn]

Khóa 10B72 họp mặt năm 2021