Thursday, November 22, 2007

Từ Quang Trung đến Đồng Đế


Khóa 2/68: từ Quang Trung đến Đồng Đế
( Những Gì Còn Nhớ )
Năm 1991, tôi đến Washington D.C. thăm một người bạn vừa cùng quê, vừa cùng ghe vượt biên năm 1986. Bạn tôi làm vài món ăn, và mời vài ba người bạn láng giêng đến nhâm nhi. Một trong mấy người láng giềng của bạn tôi xưng là Thiếu Úy Nhảy Dù, hỏi tôi thuộc binh chủng nào. Tôi trả lời Địa Phương Quân. Ông Thiếu Úy nầy có lẽ không có cảm tình với Địa Phương Quân nên phán liền "mấy ông Địa là vua một cõi rồi". Sau đó, vị nầy lại hỏi tôi học khóa mấy. Tôi cho biết tôi học khóa 2/68 SQTB Đồng Đế. Ông Thiếu Úy chỉnh tôi liền, "Anh nói sao chớ Đồng Đế làm gì có khóa sĩ quan?". Tôi thấy hơi khó chịu, nhưng vẫn ôn tồn nói rằng kể từ năm 1968, SQTB có khóa học trọn ở Thủ Đức, có khóa chia hai, phân nửa học ở Thủ Đức, phân nửa ở Đồng Đế. Khóa 2/68 là khóa SQTB đầu tiên được huấn luyện tại Đồng Đế. Ông nầy vẫn tỏ vẻ không tin, khẳng định là ông ấy học ở Thủ Đức, không bao giờ nghe chuyện sĩ quan ra học ở Đồng Đế cả. Tôi nghĩ ông nầy là Thiếu Úy giả, nên không muốn nói thêm, và đề nghị là chuyện đó nên để sau nầy hãy phối kiểm lại, bây giờ ăn nhậu cho vui. Dù giả lả, buổi nhậu vẫn kém vui, mấy người láng giềng của bạn tôi rút lui sớm. Tôi nhớ hồi đi tù cải tạo, cũng có một số đàn anh không biết là sau nầy Đồng Đế có các khóa sĩ quan trừ bị, nhưng nghe giải thích là các anh tin ngay, chứ đâu có sừng sộ như ông láng giềng của bạn tôi ở Washington D.C.? Mãi sau nầy, tôi mới nghe nói là đến năm 1973 ( 1 ) Đồng Đế đã ngưng huấn luyện sĩ quan trừ bị. Những ai vào Thủ Đức từ 1973 về sau có thể không biết chuyện từ những năm trước. Tôi thấy hối tiếc đã nghi lầm ông Thiếu Úy Nhảy Dù láng giềng của bạn tôi ở Washington D.C. năm nào. Các bạn đồng môn nếu gặp trường hợp như tôi có lẽ cũng chẳng vui, nhưng xét cho cùng, vì số lượng sĩ quan được đào tạo từ Đồng Đế quá ít so với Thủ Đức, nên chẳng trách có nhiều người không biết.
Cùng một quân trường, chúng ta hẳn có cùng những kỷ niệm giống nhau chẳng hạn như khung cảnh của trường và thiên nhiên ở chung quanh, sinh hoạt, nề nếp riêng của trường, các cấp chỉ huy gần gũi, các sĩ quan huấn luyện viên, các giờ học ở giảng đường, những buổi tập luyện ngoài bãi, những tuần huấn nhục, lễ gắn alpha, những buổi đi phép cuối tuần ngoài Nha Trang, lễ tốt nghiệp v.v...Bên cạnh những cái chung mà chúng ta cùng biết, cũng có những cái riêng của từng đại đội, từng khóa, hoặc từng năm. Những điều tôi kể ra sau đây về khóa 2/68 phần lớn dựa vào trí nhớ, nếu có gì sai sót kính mong được quý niên trưởng, quý huynh trưởng và quý chiến hữu đồng môn điều chỉnh lại giùm.
Ngày 16 tháng Tư năm 1968 tôi vào lính. Từ một tỉnh ở Tiền Giang, một người bạn tên Phước và tôi thuộc tài nguyên sĩ quan cùng hơn hai mươi tân binh quân dịch khác được đưa về Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ trên một chiếc GMC mười bánh. Sau các thủ tục nhập ngũ, khám sức khỏe, chúng tôi được phát mỗi người một số quân dụng như bi-đông, cà-mèn, mùng mền, chiếu v.v...Bữa cơm đầu tiên trong trại lính tuy không ngon miệng lắm nhưng hai đứa tôi đều ăn hết sạch. Phiền một nỗi là đêm về nằm trên chiếc giường gỗ hai tầng, bị rệp tấn công quá mức nên ngủ không yên.
Hôm sau, chúng tôi được chuyển sang trại Nguyễn Tri Phương, nhập chung với các bạn đến từcác Trung Tâm Nhập Ngũ số 1, 2, 4, cùng thuộc tài nguyên khóa 2/68 SQTB. Tại trại nầy, chúng tôi được phát quân trang gồm hai bộ quần áo trận, một đôi giày bố, mấy đôi vớ, một cái mũ lưỡi trai. Chúng tôi mất cả ngày để được hướng dẫn làm tờ khai điều chuẩn an ninh, được hớt tóc ngắn 3 phân, được sắp xếp đội ngũ, và được thực tập báo động để biết chỗ ẩn núp khi bị tấn công hay pháo kích. Mấy bộ trê-di rộng thùng thình, may mà trong trại có một số quân nhân cơ hữu ngoài giờ làm việc, kiêm thêm dịch vụ đổi, sửa quần áo lính, nên tôi và Phước sau khi bù một số tiền, có được mấy bộ tương đối vừa vặn, đủ để diện vào người, đến tiệm chụp hình trong trại, mượn chiếc nón sắt có phủ lưới ngụy trang, chụp vài "pô" kỷ niệm. Về sau, nhìn lại tấm hình nầy mới thấy hai đứa thiệt giống hai chàng lính ngố.
Tuy chỉ ở trại Nguyễn Tri Phương năm, ba hôm, nhưng qua những buổi sinh hoạt của các sĩ quan cán bộ, chúng tôi được cho biết là kể từ khóa 1/68 trở về sau, việc chấm điểm tốt nghiệp sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều, do đó chúng tôi cần phải chú tâm, cố gắng học tập, nếu không sẽ ra trường với lon Trung Sĩ. Vài người trong số tân binh chúng tôi tỏ ra sành sõi, nói mấy ông sĩ quan nầy hù. Một số khác cũng là tân binh, không biết lượm tin từ đâu, lại nói rằng từ nay mỗi khóa sĩ quan sẽ có 50% bị đánh rớt xuống hàng hạ sĩ quan, và các khóa hạ sĩ quan sẽ bị đánh rớt 50% xuống hàng binh sĩ, theo kế hoạch "đôn quân".Tin "đôn quân" càng được củng cố thêm khi chúng tôi được đưa vào trại Võ Tánh, nơi đó khóa 1/68 đang thụ huấn tuần lễ thứ ba. Khóa 1/68 có khoảng 1.000 khóa sinh, đa số là sinh viên, học sinh, thuộc thành phần tình nguyện. Khóa 1/68 được tổ chức thành tiểu đoàn có tên là Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ, bảng tên nền xanh dương, chữ trắng. Khóa 2/68 có khoảng 2.000 khóa sinh, tôi không nhớ rõ là một hay hai tiểu đoàn, riêng chúng tôi được xếp vào Tiểu Đoàn Gia Long, bảng tên nền xanh lá cây, chữ đen. Phước và tôi vẫn ở cùng trung đội, thuộc Đại Đội 28, do Trung úy Th. làm Đại Đội Trưởng. Phụ tá cho Đại Đội Trưởng là Trung Úy B. và Chuẩn Úy TTL., mỗi ông coi 2 trung đội. Tôi nhớ rõ tên, họ của Chuẩn Úy L. vì ông nầy rất nguyên tắc. Xin kể một chuyện rất ngắn về ổng. Ở TTHL/ Quang Trung các lối đi trong doanh trại trồng rất nhiều cây bả đậu, dưới mấy tàn cây nầy là những bồn chứa nước uống không có nắp đậy. Trái bả đậu rớt vào bồn làm nước nhiễm độc, rất nhiều khóa sinh bị tiêu chảy vì uống nước trong các bồn nầy. Tôi cũng là nạn nhân, nên có một lần tôi bị tiêu chảy, đi cầu cả đêm. Sáng hôm sau mệt lả người, tôi trình diện Chuẩn Úy L. xin ở lại trại để đi khám bệnh, uống thuốc. Ông ấy phán "phải khai bệnh trước 24 tiếng mới được nghỉ." Luật nhà binh thi hành trước, khiếu nại sau, tôi vẫn súng đạn nón sắt cùng các bạn ra bãi. May mà ở Quang Trung, các đường ra bãi tập cũng như các bãi tập đa số nằm trong khu vực của trung tâm, vắng vẻ, nhiều lùm bụi nên tôi giải quyết được chuyện phiền toái nầy. Hôm sau thì bụng đã êm nên tôi không xin phép ở lại trại làm gì nữa.
Trở lại chuyện "đôn quân", tôi được một vài người bạn khóa 1/68 Dự Bị Sĩ Quan cho biết thêm về tin không vui là sẽ có 50% bị đánh rớt. Các bạn còn nói thêm rằng hồi trước ai theo học khóa sĩ quan khi vào quân trường thì được gọi là Sinh Viên Sĩ quan, bây giờ thì chúng tôi được gọi là Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan, điều đó chứng tỏ chưa chắc là tất cả mọi người sẽ được theo học khóa sĩ quan. Tôi cũng có một vài người bạn theo học khóa hạ sĩ quan đang ở giai đoạn 1 tại Quang Trung. Mấy người bạn nầy cũng xác định tin các khóa hạ sĩ quan sẽ có 50% bị đánh rớt để ra binh nhì, và các khoá sĩ quan sẽ rớt 50% để học khóa hạ sĩ quan. Nhiều tin tức ăn khớp như vậy, ngờ vực mấy rồi chúng tôi cũng phải tin.

Lúc chúng tôi đang thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung cũng là lúc Việt Cộng mở đợt 2 tổng công kích vào các thành phố toàn miền Nam, trong đó có Thủ đô Sài Gòn. Tình hình an ninh kém nên chúng tôi chỉ được phép ra chơi phố một lần duy nhứt, sau đó thì bị cấm trại 100%. Vườn Tao Ngộ ở Quang Trung từ đó rộn rịp vào mỗi cuối tuần, được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm cùng tên với câu mở đầu "Hôm nay ngày Chủ Nhật, Vườn Tao Ngộ em đến thăm anh".
Sau tám tuần lễ huấn luyện, toàn thể khóa 1/68 được nghỉ phép một tuần rồi vào trình diện theo học giai đoạn 2 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Đến khi khóa 2/68 kết thúc giai đoạn 1 tại Quang Trung, tình hình lại khác. Chúng tôi được chia làm hai, phân nửa tham dự cuộc hành quân cuối khóa, trong đó có Phước ( 2 ), phân nửa ở lại Trung Tâm, trong đó có tôi. Các khóa sinh thạo tin, biết ngay rằng thành phần tham dự cuộc hành quân cuối khóa sẽ qua Thủ Đức, thành phần còn lại bị đánh rớt sẽ ra học khóa hạ sĩ quan tại Trường Đồng Đế, Nha Trang. Buồn rầu, xấu hổ, bất mãn, một số bắt đầu quậy phá doanh trại. Như biết trước tình hình bất ổn, trong khu vực Tiểu Đoàn Gia Long hoàn toàn không thấy bóng dáng một sĩ quan hay hạ sĩ quan cán bộ nào cả. Chúng tôi được thông báo rằng có các đơn vị Quân Cảnh đến tăng cường để áp giải chúng tôi qua trại chuyển tiếp rồi sau đó đưa ra phi trường lên máy bay quân sự ra Nha Trang. Gần suốt một đêm ồn ào không ngủ làm chúng tôi rả rời, mệt mỏi. Chiều hôm sau, Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triển, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã cho tập họp chúng tôi lại để giải thích. Chuẩn Tướng Triển xác nhận rằng chúng tôi bị đánh rớt vì điểm tác xạ kém. Một khóa sinh lên tiếng rằng, chúng tôi bị đánh rớt không phải vì lý do đó, mà vì Tổng Cục Quân Huấn đã có sẵn chỉ tiêu phải đánh rớt 50%, phù hợp với phân nửa số khóa sinh qua Thủ Đức, phân nửa ra NhaTrang. Một khóa sinh khác nói sĩ quan là cấp chỉ huy, khả năng chỉ huy dựa trên nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ căn cứ vào điểm tác xạ. Một khóa sinh khác nữa lên tiếng rằng, Quang Trung là nơi đào tạo Binh Nhì, chúng tôi đã không đủ điểm để ra Binh Nhì, thì ra Binh Ba, sao lại được theo học khóa Hạ Sĩ Quan? Tướng Triển nghiêm giọng khiển trách " anh nói như thế là mạ lỵ quân đội", và có lẽ thấy rằng dù có giải thích thế nào cũng không thuyết phục được anh em khóa sinh nên Tướng Triển nại lý do đã quá giờ dùng cơm chiều của ông ta để chấm dứt buổi nói chuyện. Đêm hôm đó các cán bộ thuộc Phòng Chiến tranh Chính trị của quân trường bắt đầu lên tiếng qua máy phóng thanh kêu gọi các khóa sinh bình tĩnh, đừng để bị phạm quân kỷ ảnh hưởng đến tương lai, và cho biết rằng Trung Tâm đang cứu xét để “vớt” một số cho theo học khóa Sĩ quan. Quá nửa khuya đêm đó, họ yêu cầu mọi người tập họp nhưng không ai rời buồng ngủ. Sau đó họ đọc tên từng người không không theo thứ tự alphabet, cũng không theo Đại Đội hay Trung Đội gì cả. Có thể những người được gọi tên trước có cảm tưởng rằng mình nằm trong danh sách những người được vớt, nên xiêu lòng mang quân trang bước ra sân. Những người khác cũng đã chán nản vì nghĩ rằng có làm gì đi nữa cũng chẳng có gì thay đổi, nên từng người một quẩy ba-lô và túi quân trang bước ra sân tập họp, sau đó lên xe ra phi trường Tân Sơn Nhứt, trong khu quân sự, chờ lên máy bay. Từ sáng sớm đến giữa trưa, chúng tôi lần lượt từng trung đội lên các máy bay vận tải quân sự do phi công Mỹ lái đưa ra Nha Trang.
Sau hơn một giờ bay, chúng tôi đến phi trường Nha Trang, hình như nằm gần bờ biển. Một số sĩ quan, hạ sĩ quan cán bộ của Trường Đồng Đế cùng đoàn xe GMC đang đón chờ chúng tôi trên sân phi trường. Tác phong chững chạc và thái độ ân cần của quý vị cán bộ của Trường đã khiến chúng tôi vừa nể vì vừa cảm thấy rất được an ủi. Phù hiệu trên vai áo của quý vị tuy màu sắc và đường nét đơn giản nhưng sáng, mạnh. Dù mệt nhọc sau mấy đêm không ngon giấc và sau chuyến bay, chúng tôi như khỏe lại, hăng hái lên xe tiến về Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà mọi người quen gọi là Trường Đồng Đế.
Qua ký ức, tôi không nhớ rõ hình dáng, nhưng bức tượng người chiến binh bằng đồng đen trước cổng Trường lúc đó đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng mạnh. Một người bạn cùng xe nói đùa: " tụi mình phải đen thui như vậy đó mới ra trường". Trường nằm khang trang dưới bóng
những hàng thông xanh, những cây bàng đầy bóng mát. Phía sau trường là một dãy núi chắn ngang, thấp thoáng bức tượng người chiến binh màu trắng trên một ngọn đồi, tạo thành một khung cảnh thật hùng tráng.

Sau bữa cơm trưa đã muộn, và sau khi được sắp xếp chỗ ở, tắm giặt, chiều hôm đó chúng tôi được tập họp ở Vũ Đình Trường, diện kiến Đại Tá Lê Văn Nhựt ( 3 ), Chỉ Huy Trưởng Trường. Đại Tá Nhựt đã nhiệt liệt chào mừng chúng tôi, những tân khóa sinh Hạ Sĩ Quan bằng một bản nhạc hùng do Ban Quân Nhạc của Trường hòa tấu thật xuất sắc. Đại Tá Nhựt cho biết trường hợp của chúng tôi đang được Tổng Cục Quân Huấn và Bộ Tổng Tham Mưu cứu xét, và ông tin tưởng rằng đa số chúng tôi sẽ tiếp tục theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại đây. Đại Tá Nhựt nói thêm: "Khi ra trường, các anh sẽ là Chuẩn Úy. Mà Chuẩn Úy là một hạ sĩ quan cao cấp, do đó nếu các anh được đào tạo tại Trường Hạ Sĩ Quan cũng là một điều hợp lý. Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế rất vui mừng và hãnh diện được lãnh trách nhiệm huấn luyện các anh." Buổi nói chuyện của vị Đại Tá Chỉ Huy Trưởng đối với chúng tôi thật đầy khích lệ. Trên đường về "sam" của mình, chúng tôi gặp những đoàn quân súng Garant cầm tay, đang rầm rập bước đều. Họ là các khóa sinh Hạ Sĩ Quan trên đường về từ bãi tập. Người nào da cũng sạm đen, trông thật rắn rỏi, khỏe mạnh. Dây ba chạc mang trên người các anh với túi đạn, bi-đông nước càng làm tăng vẻ " chính quy " của người lính. Do có thêm chúng tôi với quân số khoảng 1.000 người, phòng ốc trong quân trường không đủ sức chứa, các khóa hạ sĩ quan đàn anh phải ra ở bên ngoài hàng rào trường trong những căn lều thật lớn.
Sau buổi cơm chiều là giờ tự do, chúng tôi có dịp tiếp xúc trò chuyện với một vài khóa sinh Hạ Sĩ Quan. Qua các anh, chúng tôi biết được hai câu thơ mô tả cảnh bức tượng chiến binh và đồi núi sau lưng:
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
Em nằm xõa tóc đợi thiên thu.
Quả thật cảnh đồi núi nhìn từ quân trường có những đường nét hệt như một cô gái ngực trần đang nằm với mái tóc xõa dài, trông thật dễ thương. Bức tượng người lính cầm súng trong tư thế thao diễn nghỉ, quả là đã và sẽ đứng đó ngàn năm. Cũng từ các anh KS/HSQ, chúng tôi biết sơ về chuyện học hành, tập luyện ở trường. Biết các anh đã trải qua 8 tuần, 9 tuần hoặc 10 tuần huấn luyện cam go, chúng tôi thật lòng ngưỡng mộ, và ước ao mình có đủ sức khỏe, can trường vượt qua mọi thử thách của khóa học để ngày nào đó cũng được như họ. Có một điều khiến chúng tôi cảm thấy rất nhẹ thở là hiện nay trường đã bỏ bài đi " dây tử thần ". Lúc chưa vô lính, cũng như lúc ở Quang Trung, nghe Đồng Đế là chúng tôi sợ một phần vì nghĩ đến "dây tử thần", nghe đâu khóa nào cũng có người chết khi thực hành bài đi dây tử thần nầy.

Trong khi chờ đợi quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn, hằng ngày chúng tôi làm tạp dịch quanh doanh trại của mình, tu bổ các giao thông hào, tập thể dục, chạy đều bước nhiều vòng quanh Vũ Đình Trường, và vui vẻ nhứt là xế chiều nào cũng được hướng dẫn ra tắm biển. Bạn nào ngại bơi lội thì ngồi trên bãi ngắm trời mây non nước.

Phần chúng tôi được sắp xếp thành tiểu đoàn, danh hiệu là Tiểu Đoàn Lý Thường Kiệt, về sau đổi thành Tiểu Đoàn 1 SVSQ, do một vị Đại Úy chỉ huy. Tiểu đoàn 1 SVSQ có 4 đại đội, danh hiệu 335, 336, 337 và 338, do 4 vị Trung Úy nắm các chức vụ Đại Đội Trưởng. Tôi còn nhớ tên 3 vị ĐĐT lúc đó gồm Trung Úy Xuân, Trung Úy Huân, và Trung Úy Lê Văn Lượm. Tôi nằm trong đại đội 338 của Trung Úy Lượm. Một thời gian ngắn sau đó, 2 trong số 4 vị ĐĐT là Trung Úy Xuân và Trung Úy Huân được thăng cấp Đại Úy, cùng lúc vị Tiểu Đoàn Trưởng được thăng cấp Thiếu Tá.
Những tuần huấn luyện cam go bắt đầu, mà ở Trường gọi là những tuần huấn nhục, tôi không nhớ là 4 hay 8 tuần. Bước ra khỏi buồng của đại đội, từ 2 người trở lên là phải có một người đếm nhịp để cùng chạy đều bước. Học ở giảng đường hay từ bãi tập về, trước khi vào phòng ăn là cả đại đội phải chạy ngày đầu vài ba vòng, tăng dần lên đến 10 vòng quanh Vũ Đình Trường với đầy đủ súng đạn, nón sắt, vừa chạy đều bước, vừa hát vang rân. Khi bắt đầu tăng số vòng chạy lên, một ít người không chịu nổi, xỉu, được đưa ra ngoài nghỉ. Tôi nhiều lúc tưởng đã bỏ cuộc, chân tay rả rời, mệt tưởng chừng đứt hơi, nhưng may cũng vượt qua được. Vừa chạy hồng hộc như thế, mô hôi mồ kê nhễ nhại, thế mà vào phòng ăn ai nấy xơi ngon lành 4, 5 chén cơm với thực đơn gần như đều đặn là buổi trưa cá chiên nước mắm tỏi ớt, canh cải, bữa chiều thịt bò xào, cải nấu canh. Chúng tôi nghe nói là các cấp chỉ huy ở Trường rất quan tâm đến bữa ăn của khóa sinh hạ sĩ quan cũng như sinh viên sĩ quan, thường bất ngờ vào phòng ăn kiểm thực nên nhờ vậy, bữa ăn của chúng tôi tuy đạm bạc nhưng không bao giờ gặp cảnh thịt thối, cá ươn. Đặc biệt món nước mắm, nêm nếm cũng vừa miệng. Dù vậy, mỗi bữa ăn, chúng tôi bốn anh em một mâm vẫn thường mua thêm khi một hộp thịt, khi hộp cá, thêm một hộp Kim Chi để ăn kèm. Đồ hộp gồm thức ăn, uống kể cả thuốc hút và các thứ linh tinh khác, vừa của Mỹ, vừa của Đại Hàn, lúc đó đầy dẫy ở Nha Trang, thứ nào cũng rẻ.
Đồng Đế có cách chào kính rất đặc biệt vào thời chúng tôi đang thụ huấn tại đó. Khi có từ 2 khóa sinh trở lên đang ở ngoài sân, gặp sĩ quan cấp Úy thì chỉ hô nghiêm, chào tay, hoặc nếu mình đang di chuyển thì chỉ đưa tay chào thượng cấp. Khi gặp sĩ quan cấp Tá thì ngoài các nghi thức kể trên, khóa sinh hay SVSQ còn phải hô kính chào Thiếu Tá, kính chào Trung Tá, hoặc kính chào Đại Tá. Chào Thiếu Tá thì hô một câu, chào Trung Tá thì hô hai câu, chào Đại Tá thì hô đến ba câu. Tôi không rõ là trước đó hay sau nầy có cách chào đó hay không, vì nhiều khi chỉ do sáng kiến của một cấp chỉ huy nào đó lúc đương thời. Trường hợp Tiểu Đoàn 1 SVSQ, vị Tiểu Đoàn Trưởng của chúng tôi thì rất thích cách nghiêm nghỉ đi đứng của lính Đại Hàn, cho nên vào hội trường, khi đón các cấp chỉ huy ông hướng dẫn chúng tôi khi nghiêm phải xếp chân vào sao cho có tiếng "bộp" thật lớn, tức là mình phải nện gót giày mạnh xuống nền nhà. Lần nào vị TĐT của chúng tôi cũng bắt chúng tôi tập dượt vài lần trước khi có thượng cấp đến, phải nện giày cho thật kêu và thật đều ông ấy mới hài lòng.
Trong khúc quân hành "Phù Hiệu Trường Hạ Sĩ Quan" có câu "lò luyện thép tân tiến nhứt Việt Nam" đã nói lên được tính chất cam go, gian khổ mà một Khóa Sinh HSQ. hay SVSQ phải trải qua khi được đào luyện tại Trường Đồng Đế. Những bài học lý thuyết ở giảng đường trang bị cho các SVSQ những kiến thức quân sự căn bản về vũ khí, tác xạ, đội hình, chiến thuật cấp Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, phối hợp tác chiến với pháo binh, thiết giáp, không quân, hải quân, tiếp liệu, yểm trợ, địa hình, tác phong, lãnh đạo, chỉ huy, chiến tranh chính trị, lễ nghi quân cách...Những bài học đó đã trở nên vô cùng sinh động khi được diễn lại ngoài bãi tập. Những bài tấn
công lên đồi, phản phục kích xe, bò dưới hỏa lực là những bài học để lại nhiều dấu ấn trong lòng các SVSQ vì hầu như bài nào cũng có người mệt đến xỉu. Song song với khóa 2/68 SVSQ là khóa 2/68 Hạ Sĩ Quan. Không may cho các bạn khóa HSQ là trong bài phản phục kích xe có 2 người bị một chiếc xe cơ giới của Công Binh cán chết. Vì phải nhảy xuống xe, trèo lên xe nhiều lần, hai khóa sinh quá mệt, chưa kịp rời khỏi mặt đường để tiến vào tuyến chiến đấu, thì bị xe Công Binh trờ tới cán phải. Thông thường, khi đang diễn tập hay huấn luyện thì ở 2 đầu đường có cắm cờ đỏ để ngăn không cho xe cộ lưu thông. Đoạn đường nầy lúc bấy giờ vẫn còn là con đường đất kéo dài từ thôn Đường Đệ ra đèo Rù Rì, được một đơn vị Công Binh phụ trách để làm thành đường trải đá, tráng nhựa. Người tài xế lái chiếc xe cơ giới khi biết có chuyện chẳng lành vội nhảy xuống xe, mọi người mới biết anh ta trong tình trạng có rượu trong người ( DUI ). Huấn luyện viên của bài phản phục kích xe hôm đó là Trung Úy Tánh, quá tức giận đã cho người tài xế bê bối nầy mấy cái bạt tai. Nội vụ được đưa ra tòa, nhưng cả quân trường xôn xao, đau đớn vì chuyện không may nầy.
Một tai nạn khác xảy ra trong bài vượt sông gần Xóm Bóng làm một SVSQ của khóa 2/68 chết. Buổi sáng hôm đó Đại Đội 338 của chúng tôi có giờ sinh hoạt Đại Đội, đang tập trung trong sân, mặt hướng về dãy Hòn Khô có bức tượng Chiến Binh Anh Đứng Ngàn Năm Thao Diễn Nghỉ thì bỗng thấy một con mễn nhỏ - còn được gọi là mang - từ hướng núi, ngoài sân rào của quân trường chạy thẳng vào khu vực Tiểu Đoàn. Cũng vừa lúc tan hàng nên một số anh em chạy ùa theo con mễn. Con vật chạy vào buồng ngủ của một đại đội bạn. SVSQ trực của đại đội bạn thuật lại là con mễn lẩn quẩn dưới gầm một cái giường ngủ một lúc rồi chạy thoát ra khỏi hàng rào của quân trường, lọt vào khu đóng quân của một đại đội Khóa Sinh Hạ Sĩ Quan, bị anh em khóa sinh bắt được. Khoảng trưa, chúng tôi nghe tin một SVSQ bị tử nạn khi diễn tập bài vượt sông. Chiếc giường của SVSQ thọ nạn nầy chính là chiếc giường con mễn chui vào dưới gầm và lẩn quẩn ở đó một lúc trên đường trốn chạy. Một điều trùng hợp và có vẻ dị đoan nữa là chiếc xuồng cao su có người SVSQ thọ nạn hôm đó chở đúng 13 người, thay vì như các xuồng khác chở 1 tiểu đội tác chiến chỉ đúng 11 người. Chiếc xuồng nầy có 13 người vì đây là chiếc xuồng chỉ huy của Trung Đội, có thêm một Trung Đội Trưởng và một âm thoại viên mang máy truyền tin đi chung. Khi xuồng cặp bờ để đổ quân, xuồng tròng trành làm nhiều SVSQ rớt xuống sông với nón sắt, súng đạn đầy đủ, lại gặp phải khúc sông sâu. Mọi người lội được và lên bờ, kiểm lại mất một. Khi vớt được SVSQ thọ nạn lên thì anh đã tắt thở, quai nón sắt vướng ở cổ. Khoảng 3 năm sau, khi có dịp công tác ở quận Hàm Long, Kiến Hòa, tôi vô tình vào một ngôi nhà ở xã Tiên Long và thấy trên bàn thờ có bức ảnh phóng lớn một người mặc đồ tiểu lễ, đội "kết-bi" mang phù hiệu Trường HSQ Nha Trang. Tôi thắp một nén hương chào người quá cố và hỏi thăm gia đình mới biết người trong di ảnh chính là người bạn cùng khóa tử nạn trong bài vượt sông vừa kể.
Đặc biệt các bài đoạn đường chiến binh, tuột núi, đi dây kinh dị là những bài thao luyện nguy hiểm, đòi hỏi các khóa sinh phải có lòng tự tin, gan dạ để vượt qua. Các vị cán bộ huấn luyện viên rất tinh mắt, như trong bài tuột núi, thấy SVSQ nào dáng điệu hay nét mặt có vẻ hồi hộp lo sợ quá, hoặc khi quấn sợi dây thừng vào người mà có vẻ lúng túng thì các vị HLV cho SVSQ đó miễn để tránh tai nạn. Quả thật, khi đứng trên đỉnh đồi vách đá dựng đứng nhìn xuống bên dưới thấy các bạn cùng đại đội ngồi xếp hàng thẳng lối trên bãi tập, mọi người đều nhỏ xíu, mới thấy đồi sao cao quá, lỡ tay hay sai sót về kỹ thuật mà rớt xuống chân đồi thì chết chắc. Nếu không có lòng quả cảm và quyết tâm, chắc sẽ không đủ can đảm để choàng dây vào người, từng bước đi ngược trên vách đá dựng đứng để xuống chân đồi. Trong khi các SVSQ đi lần từng bước như thế, thì các huấn luyện viên biểu diễn cách tuột núi theo kiểu Thụy Sĩ, như là xiệc, chỉ cần 2 hoặc 3 bước nhảy, là các vị đó đã từ đỉnh xuống đến chân đồi. Riêng các SVSQ, tuột được nửa đoạn vách đồi, miệng đang hô "sát, sát" thì một nhiếp ảnh viên của Trường cũng đang bám vào vách đá, chụp cho một "pô" kỷ niệm. Tấm hình nầy gửi về cho thân nhân, hay cho người "em gái hậu phương" thì thiệt là oai.
Đến bài đi Dây Kinh Dị thì tôi không được vinh hạnh tham dự vì đêm trước đại đội thực tập bài tác xạ ban đêm, tôi nằm trong Trung Đội trực, khi thu dọn trợ huấn cụ sơ ý thế nào bị dập ngón tay út, nên hôm sau tôi được sắp làm SVSQ trực đại đội. Nghe các bạn thuật lại, khi đi trên chiếc cầu treo bằng dây cáp treo vắt vẻo từ đỉnh núi nầy qua đỉnh núi bên kia rất hồi hộp vì cầu đong đưa theo gió và bước chân người, phía dưới lại sâu hun hút. Nhiều lần trên đường đến các bãi tập khác, khi đi ngang qua khu vực có chiếc "cầu kinh dị", mới thấy nó quả là cheo leo trên cao, mỏng manh vắt qua thung lũng hình như lúc nào cũng phủ trong sương mù.
Các bài Tiểu Đội Tấn Công Lên Đồi hay Trung Đội Tấn Công Lên Đồi cũng là những bài diễn tập rất sôi nổi và rất nhiều mồ hôi đổ xuống. Nhiều người bị xỉu vì ra nhiều mồ hôi và uống quá nhiều nước trong mấy bài nầy. Mục tiêu nằm trên đồi tuy không cao lắm, nhưng SVSQ thực tập phải diễn đi diễn lại nhiều lần cho đúng quy cách nên ai nấy mệt lả người. Lần chót, khi đến tuyến tấn công, còn phải bắn cho hết một gắp đạn thiệt 7 viên khi mắt đã mờ đi và cay xè vì mồ hôi. Trung đội nào khi xong bài tập của mình, trong khi ngồi nghỉ, được phép thưởng thức mấy bao nước nhãn nhục có đá lạnh do các binh sĩ cơ hữu của Trường mang đến bán, thiệt là ngon tuyệt.
Nhờ khu vực huấn luyện của Trường đều nằm gần bờ biển nên dù tập luyện có mệt nhọc cách nào, chỉ cần ngồi nghỉ 5, 10 phút là đã thấy khỏe người lại. Việc mau lại sức nầy một phần do tuổi trẻ, một phần cũng do đã trải qua nhiều thời gian tập luyện thể lực như chạy bộ thường xuyên, đi bộ đường dài qua đồi, qua dốc, quả những thửa ruộng sình lầy. Khi Tiểu Đoàn 1 SVSQ, tức toàn khóa 2/68 hành quân Chinh Phục Hòn Khô để tối hôm đó làm lễ gắn Alpha, Đại Đội 338 của chúng tôi vừa có một Chuẩn Úy khóa 26 ( hay 27? ) mới ra trường về làm cán bộ Trung Đội Trưởng của Đại Đội. Ông chỉ đeo trên người khẩu súng Colt 45 và cái ba-lô lép xẹp nhưng đi chưa được nửa đường thì đã mệt lắm, phải gửi cái ba-lô cho SVSQ đeo hộ. Ông cho biết vì tình hình an ninh không cho phép, nên khóa học của ông ở Trường Bộ Binh Thủ Đức không được lội bãi nhiều như ở đây, vì vậy sức chịu đựng kém. Chúng tôi rất thông cảm người đàn anh dễ thương nầy, trong lòng thì ngầm tự hào mình đã được tôi luyện ở lò luyện thép, đâu phải thứ thường. Ra trường về đơn vị, lội tới đâu cũng không ngán.
Song song với các bài học lý thuyết, các bài thực tập, đêm đêm, các đại đội chia nhau đi "ứng chiến" hoặc phòng thủ bên trong hoặc bên ngoài Trường. Đóng quân phòng thủ đêm ở Thôn Ba Làng An có lẽ vui nhứt. Đơn vị nằm giữa một mặt là núi, một mặt là bờ biển, mà cặp theo bờ biển là khu dân cư của thôn. Sau khi dựng lều, phân công gác, một số phe ta lẻn vào thôn ăn chè, ăn cháo, uống cà phê. Tổ của tôi 3 anh em chung một lều, gồm anh L., anh Đ. và tôi. Anh L. có máu hão ngọt, nên cứ đóng quân ở thôn Ba Làng An là anh ấy không bao giờ bỏ lỡ cơ hội lẻn ra các quán cà phê, chè, cháo này. Ăn chè, ăn cháo, cà phê cà pháo riết rồi ở lại ngủ với cô chủ quán luôn. Báo hại anh Đ.Đ. và tôi cứ phải gác thế cho anh ấy. Một đêm quá nửa khuya trên đường từ quán về chỗ đóng quân, anh L. bị chó cắn. Không nhớ anh đã khai thế nào mà không bị phạt, nhưng được đưa ra bệnh viện ngoài Nha Trang điều trị khoảng một tuần. Chứng nào tật nấy, khi nằm ở bệnh viện Nha Trang, anh L. lại làm quen với một cô làm ở câu lạc bộ. Sau nầy mỗi lần đi phép, anh L. xé lẻ đi thăm bạn gái, chứ không còn đi dạo phố Nha Trang với tôi và anh Đ.Đ. như trước. Dạo phố Nha Trang vào ngày Chủ Nhựt mới thấy ở đây có đủ mặt các quân trường, nào Trường HSQ, nào Không Quân, nào Hải Quân. Đông đảo nhứt có lẽ là Đồng Đế vì vừa có khóa sinh HSQ, lại có SVSQ. Trông đen đúa khỏe mạnh nhứt cũng là môn đồ của Trường HSQ. Ngược lại, các bộ tiểu lễ đi phép của Không Quân và Hải Quân thì rất đẹp, rất mướt. Có một lần mấy anh em chúng tôi bước vào một quán nước, trong quán có mấy SVSQ Không Quân đang cười nói ồn ào, thấy chúng tôi, bỗng nhiên họ như sựng lại, sửa lại tư thế, ngồi ngay ngắn, không còn oang oang như trước. Tôi tự hỏi, chắc anh em tụi tôi trông có vẻ " ngầu " lắm nên các bạn bên Trường Không Quân nầy mới tỏ ra e dè như vậy.
Có học hành tập luyện thì cũng phải có thi cử để đánh giá kết quả học tập của từng người. Lề lối thi của Trường Đồng Đế vào thời điểm ấy phải nói là mới mẻ, không những chỉ mới mẻ hơn TTHL. Quang Trung mà còn văn minh hơn cả các trường học bên ngoài. Thời đó, ở cấp Trung Học, mỗi năm trong lớp có 2 kỳ thi, gọi là Đệ Nhứt và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt. Nếu học lớp Đệ Tứ, sau nầy gọi là lớp 9, cuối năm phải thi lấy chứng chỉ Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Nếu học lớp Đệ Nhị, tức lớp 11, cuối năm phải thi để lấy Chúng Chỉ Tú Tài phần thứ nhứt. Nếu học lớp Đệ Nhứt, tức lớp 12, cuối năm phải thi lấy văn bằng Tú tài Toàn Phần hay Tú Tài 2. Học sinh một năm phải trải qua 2, 3 kỳ thi, mà mỗi kỳ đều phải ôn bài vở cho tất cả các môn vô cùng vất vả. Trong khi đó, ở Trường Đồng Đế, học xong môn nào là SVSQ được thi ngay môn ấy. Có những môn như tác xạ, địa hình ... phải thi thực hành ngoài bãi, có những môn được ngồi làm bài thi trong giảng đường, hoặc có khi nguyên cả tiểu đoàn ngồi làm bài thi trên sân Vũ Đình Trường ... rất là vui vẻ thoải mái. Để tránh tình trạng hỏi bài, đề thi được soạn 2 bản khác nhau, phát xen kẻ để những người có chung một bản đề thi phải ngồi cách xa nhau, không hỏi, không nhắc được. Tuy vậy, các vị sĩ quan giám thị cũng thông cảm, lơ đi cho các vị thí sinh ra dấu làm bài, bộ điệu rất tức cười. Cái độc đáo nữa là, một hay hai ngày sau cuộc thi là cả Tiểu Đoàn được đọc cho biết điểm của từng người. Ai thấy điểm mình thấp thì phải cố gắng cho môn kế tiếp. Ai thường được điểm cao thì cũng được anh em trong đại đội ưu ái đứng xếp hàng gần trước khi vào "trường thi" để khi vào chỗ làm bài còn có cơ hội hỏi han. Quân trường nào chắc cũng giống nhau ở chỗ Khóa Sinh hay SVSQ. đều không có thì giờ rảnh rỗi để thơ thẩn hay để ôn bài vở. Ngoài ra vì tập luyện thể lực nhiều nên ai cũng dễ ăn dễ ngủ. Trừ lúc đang đi, đang chạy, hay đang thao diễn bài tập, bài học nào đó, hoặc đang vui đùa với đồng đội, các lúc khác thì hầu như là chỉ muốn ngủ. Ngồi nghe giảng bài một chút là đã thiu thiu dù đó là giảng đường hay ngoài bãi tập nắng cháy da người. Anh nào ngủ ít thì được tặng danh hiệu ngủ cấp tiểu đội, khá hơn thì là ngủ cấp trung đội, dần dần đến cấp đại đội, tiểu đoàn và cao nhứt là ngủ cấp trung đoàn. Các giảng viên, huấn luyện viên ở trường vì vậy người nào cũng phải thủ một vài chiêu để giảng bài thế nào cho học viên của mình đỡ buồn ngủ, còn tỉnh táo để tiếp nhận được bài học.
Rồi thì 16 tuần khổ luyện giai đoạn 2 cũng chấm dứt. Cả khóa 2/68 Đồng Đế tưng bừng chuẩn bị cho ngày Lễ Mãn Khóa. Khoảng 2 tuần liên tiếp, chiều chiều khi ở bãi tập về là cả Tiểu Đoàn 1 SVSQ tề tựu quanh Vũ Đình Trường tập diễn hành. Trước đó, một số Sĩ Quan của Trường đã đến Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Trường Bộ Binh Thủ Đức để quan sát, học hỏi kinh nghiệm và có mang về một cuồn phim quay cảnh ngày mãn khóa của Trường Võ Bị Đà Lạt, chiếu lại cho anh em khóa 2/68 SQTB xem. Ở Đà Lạt, SVSQ khi diễn hành, đánh tay cao 45 độ so với thân người, khác với Trường Hạ Sĩ Quan, chúng tôi đã quen đánh tay cao 90 độ, trông mạnh mẽ hơn. Tiểu đoàn được chia thành 8 khối, mỗi khối xếp theo đội hình 10 x 10, tổng cộng 800 người. Cái khó là khi đến góc của Vũ Đình Trường, thay vì bên phải một lần, đội hình không thay đổi, thì chúng tôi phải xoay người 90 độ sang phải, hàng ngang thứ nhứt bây giờ trở thành hàng dọc bên trái, và hàng dọc bên phải trước đó bây giờ trở thành hàng ngang thứ nhứt. Đi theo cách nầy thì 4 cạnh của của hình vuông đều lần lượt được một lần đi đầu và và một lần đi cuối đi cuối đội hình, rất độc đáo.

Chủ tọa Lễ Mãn Khóa Khóa 2/68 SQTB Đồng Đế là Trung Tướng Vĩnh Lộc, lúc đó đang giữ chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn. Có chuyện vui vui là hôm đó có lẽ vì xúc động quá, trong bài diễn văn khai mạc, Đại Tá Lê Văn Nhựt đã 2 lần gọi Tướng Vĩnh Lộc là Trung Tá. Không biết là sau buổi lễ, Đại Tá Nhựt có bị khiển trách? Hay được cười xòa thông cảm? Khóa 2/68 SQTB Đồng Đế được đặt tên là khóa An Dân, vế thứ hai của của câu “ Bảo Quốc An Dân “, anh em chúng tôi gọi đùa là khóa Bảo An Dân Vệ. Thực tế thì khóa nầy, khoảng 2/3 tân sĩ quan được biệt phái về Địa Phương Quân ( 3 ), số còn lại về các sư đoàn bộ binh và một số ít được chọn về các ngành như Tổng Cục Tiếp Vận, Tổng Cục Quân Huấn, vài người về Quân Cảnh, Hải Quân. Đại đội chúng tôi lúc ấy có người bạn tên Cường rất mong được về Lực Lượng Đặc Biệt, nhưng tiếc cho bạn ấy và một số bạn khác nữa muốn về Nhảy Dù, TQLC đã không được toại nguyện vì khóa 2/68 Đồng Đế chỉ có 20 người được chọn về Biệt Động Quân, không có các binh chủng khác.

Kể từ khóa 1/68, bộ đồ đại lễ của SVSQ tốt nghiệp được cắt may theo kiểu mới, áo ngắn ngang rún, phải thắt một dây vải to bản gần 2 tấc ngang bụng nên trông người nào cũng có vẻ lùn lại, anh em chúng tôi không thích lắm, nên sau khi chụp hình lưu niệm mãn khóa xong là chúng tôi về phòng thay ngay vào người bộ quân phục tác chiến với cặp lon chuẩn úy mới tinh trên cổ áo. Bạn nào về BĐQ thì cũng đã có chiếc mũ nâu chụp lên đầu ngạo nghễ oai phong. Những ngày sau, trong khi chờ máy bay đưa về Sài Gòn, chúng tôi được phép ra thành phố Nha Trang dạo chơi lần chót và mua sắm một số quà kỷ niệm và những món ăn đặc sản của Nha Trang về biếu thân nhân. Hầu như anh em nào ít lắm cũng có vài ký lô khô mực. Lúc lên máy bay về Sài Gòn, lạng quạng thế nào, tôi lại vác lộn túi quân trang của một người bạn cùng đại đội. Máy bay cất cánh rồi, nhìn lại túi quân trang không phải tên mình, mà tên Nguyễn Phong Lưu. Đến phi trường Tân Sơn Nhứt rồi, mọi người nhanh chóng tìm phương tiện về nhà, riêng tôi cứ đứng đó ngóng trông bạn Nguyễn Phong Lưu. Tôi đi chuyến bay đầu, bạn Lưu lại đi chuyến chót, gặp nhau đã 5, 6 giờ chiều. Nhận lại được túi quân trang của mình là vui rồi, Lưu không cằn nhằn gì tôi cả, tánh bạn ấy thật dễ thương. Nguyễn Phong Lưu về Sư Đoàn 21 Bộ Binh, không đầy một năm sau tôi nghe bạn đã hy sinh ngoài chiến trường, nghe thật buồn dù rằng lúc ở chung đại đội ngoài Đồng Đế hai đứa tôi không thân nhau lắm.
Cùng về Tiểu Khu Kiến Hòa với tôi còn có 7 bạn đồng khóa ở Nha Trang, tổng cộng 8 người, trong đó có 2 người là dân bản xứ, còn lại người ở Vĩnh Long, người Sài Gòn, người ở Gò Công. Nhà ở ngay tại tỉnh lỵ, nên tiện cho các bạn tá túc mấy ngày đầu chờ trình diện Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu và chờ phương tiện về đơn vị. Mỗi người mỗi nơi, nhưng có dịp về Tiểu Khu là các bạn lại ghé nhà tôi thăm hỏi, hoặc ngủ qua đêm, nên anh em vẫn thường biết tin nhau. Vào thời đó, bên Trừ Bị, sau khi ra trường đúng 18 tháng thì các Chuẩn Úy được thăng lên Thiếu Úy nếu không bị phạm lỗi. Đã đến ngày tháng lên lon rồi mà chờ hoài không thấy nghị định thăng cấp gửi về đơn vị, nên khi có dịp công tác ở Tiểu Khu, tôi ghé vào Trung Tâm Quản Trị Hành Chánh Tiếp Vận để hỏi thăm. Một vị Trung sĩ Nhứt trong Phòng Quản Trị lật cho tôi xem tập nghị định thăng cấp được ghi tên theo thứ tự a,b,c. Lật đến trang cuối họ Văn, họ Võ rồi mà chẳng thấy tên mình và mấy người bạn, tôi thấy nhột nhạt lắm, vị Trung sĩ Nhứt thì nói hết rồi. Nhìn lại tập giấy còn dầy, tôi đề nghị vị HSQ nầy lật tiếp xem sao. Quả nhiên, phần 2 của tập nghị định nầy là danh sách các chuẩn úy tốt nghiệp từ Đồng Đế. Vì sơ sót, nhân viên phần hành Phòng Tổng Quản Trị chỉ sao, phổ biến danh sách được thăng cấp ở phần 1, tức thành phần tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, tưởng rằng chỉ có bao nhiêu đó là hết, báo hại nhóm 8 chuẩn úy 2/68 Đồng Đế của Tiểu Khu Kiến Hòa phải một tháng rưỡi sau mới được đeo lon Thiếu Úy, cũng là một kỷ niệm khó quên.
Lời kết
Năm 1982, lúc bị chuyển về trại giam Xuân Lộc Z30A, phân trại C, nghe nói tôi xuất thân khóa 2/68 Đồng Đế Nha Trang, một vị Thiếu Tá tên P.N.Th. ở cùng buồng cho tôi biết lúc xảy ra biến cố khóa 2/68 hồi cuối giai đoạn 1 ở Quang Trung, ông ấy là Thiếu Úy đang làm việc ở Cục An Ninh Quân Đội, được cử đến để điều tra sự vụ. Thiếu Tá Th. cho biết rằng, Tổng cục Quân Huấn nhận được văn thư từ Bộ Tổng Tham mưu, vì nhu cầu đào tạo sĩ quan trừ bị gia tăng nên từ nay song song với Trường Bộ Binh Thủ Đức, sẽ có phân nửa được huấn luyện ở Đồng Đế. Văn thư viết không rõ ràng sao đó khiến các giới chức ở Tổng Cục Quân Huấn hiểu lầm là phải đánh rớt 50% cho theo học khóa hạ sĩ quan. Tôi thấy điều Thiếu Tá Th. nói có vẻ không hợp lý. Khi gặp một văn thư tối nghĩa, các giới chức ở TCQH phải hỏi lại Bộ TTM cho rõ ràng trước khi thi hành, chứ sao lại làm sai như vậy. Hơn nữa, khi phổ biến kế hoạch đến các quân trường, trung tâm huấn luyện, TCQH cũng phải có bản sao gửi về Bộ TTM để "kính tường", Bộ TTM thấy sai sao không điều chỉnh ngay? Dù sao thì chuyện khóa 2/68 lúc đầu có phân nửa bị đánh rớt để theo học khóa HSQ, sau đó lại được điều chỉnh cho học khóa SQ đối với tôi vẫn còn là một nghi vấn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Việc bị đánh rớt nầy là có thật, vì trong bản Tướng Mạo Quân Vụ do Phòng Tổng Quản Trị, TK. Kiến Hòa cấp cho tôi vào năm 1972 – hiện tôi còn giữ bản sao - có ghi rõ:
“ 01-07-1968/ rot phan can ban quan su duoc thuyen chuyen đen Truong HSQ do LTC so 293/PNV/KS/I ngay 29-06-1968.”
“Duoc chuyen tiep thu huan giai doan 2 khoa 2/68 DBSQ/TB do bang dinh chinh so 327/PNV/KS/I ngay 18-07-1968 cua Trung Tam Huan Luyen Quang Trung.”
“22-07-1968/ Theo hoc khoa 2/68 SVSQ/TB khoa hoc khai giang ngay 22-07-1968”
Các bạn đồng môn thụ huấn ở Đồng Đế năm 1968 có thể biết chuyện nầy, nhưng các bạn ở các khóa sau chắc không nghe nói đến bao giờ. Tôi xin đưa vấn đề nầy ra để cùng chia sẻ với các bạn, cũng nhân bài viết nầy, được nghe các vị Niên Trưởng, Huynh Trưởng lúc đó là cán bộ ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Trường Hạ Sĩ Quan QL/VNCH, hoặc các vị ở Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn lên tiếng, giúp giải tỏa thắc mắc chung cho số anh em khóa 2/68 SQTB Đồng Đế.
Đã 39 năm kể từ ngày chúng tôi rời Trường Đồng Đế vào tháng 11 năm 1968. Những người bạn cùng khóa ngày xưa ai còn ai mất, ai còn kẹt lại Việt Nam, ai đã đến được những bến bờ tự do? Tình cảnh của chúng ta hiện nay không có điều kiện để trả lời câu vừa hỏi. Những người lính trẻ 39 năm về trước, nếu còn sống, đến bây giờ thì tóc đã bạc hơn nửa mái đầu. Còn nhớ đến trường xưa, còn nhớ đến đơn vị cũ, đến những bạn đồng đội, đến những người đã hy sinh một phần thân thể, hay đến những người đã nằm xuống vì chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam, thì hẳn chúng ta còn canh cánh bên lòng nhiệm vụ chưa làm tròn của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nỗi niềm nầy rồi sẽ phôi pha theo những tháng năm còn lại của cuộc đời?
Chú thích:
1. Một người bạn xuất thân khóa 8/68 cho tôi biết sau hiệp định Paris 1973, thì Đồng Đế ngưng huấn luyện Sĩ Quan Trừ Bị. Gần đây, qua trang Web của Đồng Đế, tôi được biết có khóa 5B/73. Đây có phải là khóa SQTB cuối cùng của trường Đồng Đế, hay vẫn còn vài khóa nữa? Vị nào biết rõ, xin làm sáng tỏ.
2. Phước học giai đoạn 2 ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, về Sư Đoàn 22, khoảng không đầy một năm thì hy sinh ngoài chiến trường.
3. Trong web Dong De, tôi thấy ghi là Lê Văn Nhật. Các bạn học ở Đồng Đế năm 1968 thì xác nhận là Nhựt. Xin được phối kiểm.
4. Khi về đơn vị, chúng tôi mới biết rằng lực lượng ĐPQ. còn thiếu rất nhiều sĩ quan. Điển hình là tại Tiểu Khu Kiến Hòa, các đại đội ĐPQ. đa số là đại đội biệt lập, mỗi đại đội chỉ có 2 hoặc 3 sĩ quan. Phần nhiều các Trung Đội Trưởng do các Hạ Sĩ Quan thâm niên nắm giữ. Từ đầu năm 1969 về sau, nhờ được bổ sung bởi số lượng SQTB xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức và Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, lực lượng ĐPQ. có được lớp sĩ quan trẻ, trong số đó có nhiều vị có tài cầm quân, đánh nhiều trận rất ngoạn mục, được thăng cấp nhanh không thua kém các binh chủng thiện chiến khác như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân v.v...Như tôi được biết, ở Tiểu Khu Kiến Hòa, vào năm 1974 có một vị Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng xuất thân khóa 5/68. Ở Tiểu Khu Vĩnh Bình, vào năm 1975 có một vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng xuất thân khóa 9/68. Có thể còn nhiều vị khác có rất nhiều chiến công mà tôi chưa được biết.

5 comments:

Anonymous said...

Khóa SQTB cuối cùng được huấn luyện tai Trường HSQ là khóa 6/73 (mãn khóa 10-2-1974). Xem chi tiết các khoá được huấn luyện tại 2 trường Bộ Binh Thủ Đức và trường HSQ Đồng Đế, mùa hè đỏ lửa 1972 tại:
http://haisulongxuyen.blogspot.com.au/2013/12/svsq-tru-bi-mua-he-o-lua-1972.html

DaoHo said...

Tôi tên Hồ văn Đạo khóa 4/68 SQTB. Nhập ngủ tại TTTMNN 4 Cần Thơ, đến Quang trung tháng 6 năm 1968. Sau 2 tháng căn bản quân sự, tôi có tên trong số 800 tân binh đi Đồng Đế thụ huấn giai đoạn 2 SQTB. Đến Đồng Đế khóa 4/68 SQTB trở thành khóa 2 SQTB Đồng Đế. Tức là đã có khóa 2/68 SQTB đến đây rồi với danh xụng là " khóa 1 SQTB Đồng Đế " và sắp sửa mãn khóa. Tôi có 2 ý kiến muốn được chia sẻ với chiến hữu và niên trưởng như sau:
1/.Ngày chúng tôi đến Đồng Đế, chúng tôi nghe tin có ít nhất 2 huynh trưởng trong khóa 1 SQTB Đồng Đế đã tự tử bằng cách kê họng súng Garant vào cằm, rồi bóp cò bằng ngón chân. Lý do là các anh nầy bị đánh rớt, sẽ ra trường với cấp bậc trung sĩ, trong khi thân thế của các anh ấy là những dược sĩ, hay kỷ sư... Sự kiện nầy làm rún động mọi người và thấu đến bộ TTM. Do đó bộ TTM ra lệnh không đánh rớt SQTB Đồng đế nữa. Tôi không biết các anh đã bị đánh rớt có được hồi tố hay không, chỉ biết là khóa 2 SQTB Đồng Đế của tôi không bị đánh rớt một SVSQ nào cả.
2/. Sau lần công kích Mậu Thân thứ hai của Việt cộng, quân số của các sư đoàn bộ binh, và các đơn vị tổng trừ bị, đã bị hao hụt. Bộ TTM ra lệnh " đôn quân ", tức là lấy lưc lượng ĐPQ hiện có tại các tiểu khu bổ sung vào các sư đoàn và các lực lượng tổng trừ bị, để kịp thời ra trận chống trả và đánh bật Việt cộng giành lại lãnh thổ. Từ đó các tiểu đoàn và đại đội ĐPQ biệt lập trực thuộc các tiểu khu không còn quân số mà chỉ còn cái sườn là danh hiệu và một sĩ quan chỉ huy. Vì vậy các khóa SQTB Thủ Đức từ 1/68, và các khóa SQTB Đồng Đế từ k.2 SQTB Đồng Đế đã có khoảng 90 % tân chuẩn úy được đưa về phục vụ tại các Tiểu khu để thành lập các đại đội ĐPQ tân lập. Tôi chọn về tiểu khu Sadec và trình diện trung úy đại đội trưởng đại đội 4 ĐPQ Tân lập, văn phòng tạm đóng trong một ngôi đình làng. Quân số hiện tại là 1 trung úy đại đội trưởng, một tân chuẩn úy cùng khóa với tôi là đại đội phó, tôi được giao nhiệm vụ là trung đội trưởng trung đội 1, và khoảng 20 binh sĩ gồm đủ thành phần " đào binh, "quân dịch", và một số thanh niên đến tuổi nhập ngủ. Hằng ngày. phòng Tổng Quản Trị tiểu khu , đại đội quân cảnh, và Ty Cảnh sát quốc gia là những nguồn cung cấp quân số cho đại đội. Các tân chuẩn úy tiếp tục trình diện được giao đãm nhận chức vụ trung đội trưởng trung đội 2,3, và trung đội vũ khí nặng. Khi đã đủ quân số, đại đội được đưa lên TTHL Cao Lãnh thụ huấn 3 tháng quân sự. Bấy giờ đại đội có danh số thực thụ và được điều về địa phương canh giữ các đồn và tháp canh, hay trấn đóng các địa thế trọng yếu. Vài hàng chia sẻ ký ức cùng chiến hữu và niên trưởng.
Hồ V Đạo(thaobehai1972@yahoo.com)

Anonymous said...

Tôi mới nhớ ra thêm một sự kiện nữa về chuyện Đồng Đế của mỉnh. Bạn cùng khóa 4/68 với tôi (không nhớ tên), có người anh làm việc tại phòng Huấn luyện bộ TTM, nên bạn tôi được biết về chuyện 1/2 khóa đi Thủ Đức và 1/2 khóa đi Đồng Đế như sau. Kể từ năm 1968 lệnh tổng động viên ban hành, mỗi tháng có một khóa SQTB được triệu tập nhập ngủ. Trong khi đó trường Bộ Binh Thủ Đức phải đúng 2 tháng mới có 1 khóa ra trường. Khóa 1/68 SQTB học xong G.Đ 1 ở Quang Trung vừa đúng lúc Thủ Đức có 1 khóa ra trường, nên may mắn được đưa lên Thủ Đức trọn khóa. Trong khi đó Thủ Đức được lệnh thu xếp doanh trại, nhưng chỉ đủ để tiếp nhận 1/2 quân số khóa sinh của khóa SQTB của tháng kế tiếp từ Quang Trung đưa lên mà thôi. Vì vậy bộ TTM quyết định cho 1/2 quân số của khóa còn lại ra học giai đoạn 2 tại TTHL HSQ Đồng Đế. Trường Đồng Đế cũng phải thu gọn các doanh trại huấn luyện HSQ để nhường chỗ cho 1/2 quân số của khóa SQTB không lên Thủ Đức vì không đủ chỗ. Từ đó tạo thành một thời khóa biểu các khóa lẻ ( 1, 3, 5, 7/68.. ) thì trọn khóa được vào Thủ Đức. Các khóa mang danh số chẳn ( 2, 4, 6, 8/68... )thì phải có 1/2 khóa đi ra Đồng Đế.
Tôi đi khóa 4/68, quân số 1,800 người. Khi học xong ở TTHL Quang trung tôi phải chia tay nhiều bạn thân vì tôi ở vào danh sách 800 người đi ra Đồng Đế, còn bạn tôi thì có tên trong danh sách 1,000 người lên Thủ Đức. Khi ra đến Đồng Đế khóa tôi trở thành khóa 2 SQTB Đồng Đế. Như vậy cho thấy không phải vì có lệnh đánh rớt 50%SQTB nên bộ TTM mới đưa 50% ra trường HSQ Đồng Đế. Vào thời điểm ấy bộ TTM có lệnh đôn quân: lấy toàn bộ các đại đội và các tiểu đoàn Địa phương quân bổ sung quân số ngay cho các đơn vị chủ lực. Cho nên ngoài lưc lượng Nghĩa quân, Cán bộ Xây dựng Nông thôn, và Nhân dân tự vệ, các vị trí phòng thủ trọng yếu của các tiểu khu đang bị bỏ trống. TTM cần đào tạo gấp rút và nhiều tài nguyên SQTB để kịp thời đưa về các tiểu khu tái thành lập các đại đội Địa phương quân để phòng thủ diện địa. Cũng vì vậy mà từ năm 1968 thời gian thụ huấn của mỗi khóa SQTB đã được rút ngắn lại. Kể cả 2 tháng căn bản quân sự, mỗi khóa SQTB chỉ kéo dài 6 tháng. Tôi nhập ngủ tháng 6 và ra trường tại Đồng Đế cuối năm 1968. Chỉ có một số rất ít các đồng đội của tôi được chọn vào các binh chủng thì đã đi rồi, ngày chọn đơn vị của chúng tôi trên cả 2 bảng đều ghi tên của tất cả các tiểu khu, sắp theo mẫu tự ABC. Trên đầu bảng là hàng chữ: " tiểu khu An Giang "...
Xin góp ý kiến để cùng nhắc nhớ kỷ niệm của thời chinh chiến của chiến hữu và niên trưởng. Hồ văn Đạo-khóa 4/68 SQTB- "thaobehai1972@yahoo.com"

Unknown said...

Cho con hỏi các chú SQ năm 68 các chú có biết HUấn Viên Nguyễn Phú Hữu không dạ nếu có thông tin xin cho con xin hình ảnh về ông

Anonymous said...

Tôi , TRƯƠNG ĐÌNH LIÊM , khoá 8/68 (Đồng Đế Nha Trang).
Thời tôi thụ huấn ,như sau :
@ Danh số 283 , băng nâu , Tiểu Đoàn 4 .
@ Đại đội trưởng : Trung Uý NGUYỄN VĂN NGUYÊN.
@ Tiểu đoàn trưởng : Thiếu Tá CAO NGUYÊN KIỂU .
@ Chỉ huy phó : Trung Tá HOÀNG HỮU GIA .
@ Chỉ huy trưởng : Đại Tá LÊ VĂN NHẬT .
(Nhiều Vị lầm lẫn là Thiếu Tướng TRẦN VĂN NHỰT ( Tư lệnh Sư Đoàn 2 /bb/vnch).
Có nghĩa là nhầm lẫn NHẬT (Đồng Đế) là NHỰT (Sư đoàn 2).